Khi phát hiện nhiễm HPV, do vẫn khỏe mạnh nên bà Thùy không tái khám để theo dõi bệnh. Năm 2021, bà đi khám phụ khoa vẫn phát hiện nhiễm virus HPV 12, chủng nguy cơ cao gây ung thư. Bà được soi cổ tử cung có bất thường lan kênh cổ tử cung, được phẫu thuật khoét chóp để chẩn đoán, kết quả tổn thương tiền ung thư (CIN 1). Giữa năm 2024, bà làm xét nghiệm HPV vẫn dương tính type 12, tiếp tục soi cổ tử cung bác sĩ nghi ngờ tổn thương, được phẫu thuật khoét chóp lần 2, kết quả tổn thương CIN 1.
Cuối tháng 3 năm nay, bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám phụ khoa, xét nghiệm vẫn còn dương tính với virus, có thêm vết trắng trên mặt cổ tử cung, bấm sinh thiết kết quả tổn thương CIN 1. Bà Thùy lo lắng khi tuổi xế chiều vẫn nhiễm virus, có tổn thương tế bào do virus này.
"Bệnh nhân nhiễm virus HPV dai dẳng thường gây biến đổi tế bào", BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, giải thích, thêm rằng nhiễm dai dẳng tức là HPV có trong cổ tử cung kéo dài trên 12 tháng. Tổn thương tế bào trong biểu mô cổ tử cung có ba mức độ được gọi là CIN 1, CIN 2, CIN 3. Khoảng 70-80% trường hợp CIN 1 sẽ thoái triển trở về bình thường, khoảng 20-30% sẽ diễn tiến CIN 2, CIN 3. Các tổn thương trong biểu mô cổ tử cung nếu không được theo dõi, điều trị sẽ diễn tiến thành ung thư cổ tử cung trong nhiều năm sau đó.
Bà Thùy được phẫu thuật nội soi cắt tử cung phòng nguy cơ ung thư.
Êkíp phẫu thuật nội soi cắt tử cung cho bà Thùy. Ảnh: Thanh Luận
Virus HPV có khoảng 150 chủng, trong đó 14 chủng được xếp vào nhóm nguy cơ cao gây ung thư, phổ biến nhất là chủng 16 và 18. Riêng chủng HPV 12 thường ít gặp hơn, song vẫn có khả năng gây ra những biến đổi tế bào dẫn đến tiền ung thư và ung thư.
Quá trình từ khi nhiễm HPV type nguy cơ cao đến khi phát triển thành ung thư cổ tử cung thường diễn ra âm thầm. Ở một số phụ nữ, miễn dịch không đủ mạnh hoặc vì lý do nào đó khiến virus HPV tồn tại trong tế bào cổ tử cung như trường hợp bà Thùy. Cơ chế tấn công của virus có thể trải qua theo trình tự như nhiễm virus tạm thời, nhiễm trùng dai dẳng, biến đổi tế bào, tổn thương tiền ung thư và cuối cùng là ung thư.
Khi virus HPV tồn tại lâu dài, các protein của virus tác động lên bộ gene của tế bào chủ, làm rối loạn quá trình phân chia của tế bào. Tế bào cổ tử cung bắt đầu biến đổi bất thường, từ đó tiến tới tổn thương tiền ung thư mức độ nhẹ (CIN 1), sau đó có thể tiến triển thành mức độ trung bình (CIN 2) và nặng (CIN 3 - còn gọi là ung thư biểu mô tại chỗ).
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời ở giai đoạn tiền ung thư, các tế bào bất thường có thể phá vỡ màng đáy và xâm lấn vào mô sâu hơn, phát triển thành ung thư cổ tử cung xâm lấn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến ở nữ giới, thường gặp ở độ tuổi trên 30. Nhiễm virus HPV là nguyên nhân chính gây bệnh. Có nhiều đường lây truyền HPV như lây qua đường tình dục, qua tiếp xúc da với người có virus.
Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm HPV, bác sĩ khuyến nghị các cặp đôi quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su, không quan hệ với nhiều bạn tình, vệ sinh sạch vùng kín sạch. Hiện có vaccine phòng tránh các bệnh do HPV gây bệnh (ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, dương vật, hầu họng... hoặc sùi mào gà). Trong đó, loại vaccine phòng 9 chủng HPV có thể tiêm ngừa cho cả nam và nữ. Bác sĩ Mỹ Nhi khuyến cáo mỗi người nên chủ động tiêm vaccine sớm để đạt hiệu quả cao, có thể tiêm ngừa đến 45 tuổi.
Phụ nữ có dấu hiệu như vùng kín tiết dịch bất thường, mùi hôi, xuất huyết âm đạo, đau lưng hoặc vùng chậu, phù chân, mệt mỏi, sụt cân... nên đến bệnh viện khám.
Tuệ Diễm
*Tên người bệnh đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp