Hôm 19/4, Bộ Y tế cho biết như trên, thêm rằng kết quả này nhờ vào các biện pháp phòng chống và tiêm vaccine được tăng cường tại địa phương.
Cả nước cũng ghi nhận thêm 2 trường hợp tử vong liên quan đến sởi, trong đó một trẻ đang điều trị ung thư, nhiều bệnh nền và một trẻ nhập viện muộn sau 3 ngày. Hiện chưa có thống kê chính thức về số ca tử vong do bệnh này.
Tổng cộng từ đầu năm đến nay, có 76.312 trường hợp nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó, 8.614 ca đã xác định dương tính. Báo cáo của Bộ Y tế cho hay số ca mắc có dấu hiệu gia tăng từ tuần 9, chững lại ở tuần 14 và bắt đầu giảm từ tuần 15 đến nay. Các tỉnh phía Bắc ghi nhận số mắc sởi tăng rõ rệt từ đầu năm 2025, trong khi các khu vực khác chủ yếu duy trì mức ổn định, không còn xu hướng tăng mạnh như trước.
Sau đợt kết thúc chiến dịch tiêm chủng, tỷ lệ mắc sởi theo nhóm tuổi cũng thay đổi: nhóm từ trên 1 tuổi đến 10 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất nhưng giảm 6% so với ba tháng đầu năm; nhóm dưới 1 tuổi giảm nhẹ, còn nhóm trên 10 tuổi ghi nhận mức tăng 6,4%, đặc biệt ở lứa tuổi 11-15.
Nỗ lực tiêm vaccine phòng sởi được duy trì trên toàn quốc; tính đến ngày 17/4, đã có 52/54 tỉnh đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 95% và hai tỉnh còn lại đạt từ 90-95%. Ngành y tế sẽ tiếp tục triển khai đợt 3 chiến dịch tiêm chủng phòng sởi năm 2025 trong thời gian tới.
Một trẻ mắc bệnh sởi, biến chứng viêm phổi, phải thở oxy. Ảnh: Lê Phương
Mặc dù dịch đang có xu hướng thuyên giảm, Bộ Y tế nhận định tình hình còn tiềm ẩn nhiều thách thức, như tỷ lệ tiêm chủng ở một số địa phương chưa đạt do khó khăn tiếp cận đối tượng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa hay khu vực đô thị lớn. Một bộ phận người dân còn tâm lý e ngại vaccine, trong khi lực lượng y tế cơ sở còn hạn chế, gây trở ngại cho việc mở rộng tiêm chủng.
Để kiểm soát dịch hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường truyền thông về nguy cơ bệnh, đồng thời rà soát nhóm trẻ từ 11-15 tuổi chưa tiêm đủ vaccine, nhất là các vùng nguy cơ cao. Các cơ sở y tế được yêu cầu tổ chức phân luồng bệnh nhân, thu dung điều trị và thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát lây nhiễm.
Trước đó, từ cuối năm 2024, số ca sởi liên tục gia tăng trên cả nước khiến Bộ Y tế nhiều lần báo động dịch. Nguyên nhân là tỷ lệ tiêm phòng sởi chưa đạt yêu cầu, cùng với chu kỳ bùng phát dịch 5 năm một lần. Nhằm ứng phó ca sởi tăng, Bộ Y tế đẩy mạnh tiêm vaccinecho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại 54 tỉnh thành, thay vì chờ đủ 9 tháng tuổi như thông lệ.
Sởilà bệnh truyền nhiễm do virus, chủ yếu lây qua đường hô hấp bởi tiếp xúc gần hoặc dịch tiết từ đường mũi họng của người bệnh. Các triệu chứng đặc trưng gồm sốt, viêm họng, viêm kết mạc và phát ban, nhưng bệnh cũng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy và viêm não, thậm chí dẫn đến tử vong.
Lê Nga