Ngày 15/3, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia TP HCM, Tỉnh ủy Bến Tre tổ chức hội thảo khoa học "Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Định" với sự tham dự của khoảng 300 đại biểu.
Bà Nguyễn Thị Định sinh ngày 15/3/1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước. Bà tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi, hai năm sau được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1940, bà bị địch bắt giam tại nhà tù Bà Rá, tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước).
Sau khi ra tù, trong cao trào Cách mạng Tháng Tám 1945, bà đã tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Bến Tre. Năm 1946, bà tham gia Đoàn đại biểu Khu VIII ra miền Bắc báo cáo với Trung ương về tình hình cách mạng miền Nam và trực tiếp phụ trách chuyến tàu chở 12 tấn vũ khí đầu tiên từ miền Bắc chi viện cho chiến trường Tây Nam Bộ.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định với các nữ đại biểu dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua miền Nam lần thứ II (tháng 9/1967). Ảnh tư liệu TTXVN
Từ năm 1947 đến năm 1959, bà Nguyễn Thị Định kinh qua nhiều vị trí tại Đảng bộ Bến Tre sau đó làm Bí thư Tỉnh ủy. Bà đã lãnh đạo phong trào Đồng khởi ở Bến Tre, từ đó lan rộng thành phong trào Đồng khởi ở miền Nam, mở ra bước ngoặt của cách mạng miền Nam, là người khai sinh "Đội quân tóc dài" huyền thoại.
Cuối năm 1960, bà Nguyễn Thị Định được cử làm Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Bến Tre. Năm 1961, bà là Khu ủy viên Khu VIII, Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Khu VIII. Từ 1965-1975, bà là Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam rồi đến Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam.
Bà cùng Trung ương Cục và Quân ủy Miền xây dựng, hoàn thiện đường lối chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích với phương châm chỉ đạo "hai chân, ba mũi giáp công"; đồng thời, nhiều lần trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch quan trọng góp phần vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Ghi nhận đóng góp to lớn đó, tháng 4/1974 bà Nguyễn Thị Định được phong quân hàm Thiếu tướng và trở thành nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau ngày đất nước thống nhất, bà được giao đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước như ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Thương binh - Xã hội; Phó chủ tịch, Bí thư Đảng đoàn và Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Phó chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới; Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cuba. Bà Nguyễn Thị Định mất ngày 26/8/1992, thọ 72 tuổi.
Bà Hồ Thị Hoàng Yến, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre trao hoa, quà tặng cho ông Ông Rogelio Polanco Fuentes - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Cuba tại Việt Nam. Ảnh: Thường Sơn
Chia sẻ tại hội thảo, ông Rogelio Polanco Fuentes - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Cuba tại Việt Nam nói đối với người dân Cuba, Nguyễn Thị Định là một huyền thoại, là hình mẫu tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam: anh hùng, kiên cường, trung hậu và dũng cảm.
Theo ông, cuộc đời của bà là hình mẫu của những giá trị cao cả nhất của con người. Sự khiêm nhường, giản dị, lòng vị tha, lòng yêu nước và sự cống hiến vô bờ bến cho sự nghiệp cách mạng; là minh chứng phi thường cho những gì mà một dân tộc có thể làm được khi những nhà lãnh đạo tầm cỡ như Nguyễn Thị Định xuất hiện từ bên trong lòng dân tộc đó.
Ông Võ Thành Hạo, nguyên Bí thư UBND tỉnh Bến Tre chia sẻ bản thân có một thời gian ngắn tham gia quân đội ở chiến trường biên giới phía Bắc, được may mắn gặp bà Nguyễn Thị Định khi đó là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đó là năm 1982, không nhớ rõ tháng nào nhưng trời rất lạnh. Anh em bộ đội quê Bến Tre được lệnh tập trung hành quân về Sư đoàn đón lãnh đạo Trung ương về thăm.
Sau phần thủ tục, ông Hạo thấy "cô Ba" nhanh nhẹn bước xuống hàng quân đang đứng co ro vì lạnh bắt tay, ôm hôn rất lâu, hỏi thăm từng người chiến sĩ. (Vì bộ đội Bến Tre ai cũng có đeo huy hiệu Đồng Khởi trước ngực và quấn khăn rằn trên cổ). "Tôi thấy nhiều anh em chiến sĩ Bến Tre khóc và cô Ba cũng nghẹn ngào, nhiều lần kéo chéo khăn rằn lau nước mắt", ông Hạo kể lại.
Ông cùng anh em bộ đội lúc đó không nghĩ cô là lãnh đạo cấp cao, mà là người mẹ miền Nam, người má Bến Tre ra thăm con đang đánh giặc xa nhà, rét mướt, gian khổ. Ông Hạo nói thời điểm ấy ông không hề biết rằng cô đã từng ngồi vá áo cho chiến sĩ, không hề biết cô đã từng khóc khi có một đứa con trai duy nhất đã qua đời. "Nhìn thấy chúng tôi, có lẽ cô xúc động vì nhớ con", ông nhớ lại.
Phó Ban Tuyên Giáo và Dân vận Trung ương - Huỳnh Thành Đạt phát biểu tổng kết hội thảo. Ảnh: Thường Sơn
Tại hội thảo, Phó ban Tuyên Giáo và Dân vận Trung ương Huỳnh Thành Đạt cho biết các tham luận tại hội thảo đã xoay quanh 4 nội dung trọng tâm. Thứ nhất làm rõ được hoạt động và cống hiến nổi bật của nữ tướng Nguyễn Thị Định trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước. Thứ hai là nhấn mạnh hoạt động và cống hiến của bà trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thứ ba, nữ tướng Nguyễn Thị Định là tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực, hình ảnh tiêu biểu và cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Cuối cùng là việc học tập, noi gương nữ tướng Nguyễn Thị Định trong công cuộc đổi mới đất nước và quê hương Bến Tre hiện nay.
Theo ông Đạt, hội thảo là hoạt động ý nghĩa thiết thực để thành kính, tri ân những cống hiến của nữ tướng Nguyễn Thị Định với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc và quê hương Bến Tre. Từ đó góp phần bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ.
Thường Sơn